Điều lệ dành cho Người phục vụ Dhamma

Một thông điệp của Thiền sư Goenka về Giá Trị của Sự Phục Vụ Dhamma

Trong khi phục vụ, quý vị học được cách áp dụng Dhamma vào cuộc sống hằng ngày. Sau cùng, Dhamma không phải là một sự trốn tránh những trách nhiệm hằng ngày. Nhờ học được cách hành xử đúng theo Dhamma khi tiếp xúc với thiền sinh và những hoàn cảnh nơi đây, trong thế giới nhỏ bé của khóa thiền hoặc trung tâm, quý vị tập cho mình hành xử tương tự ở thế giới bên ngoài. Mặc dù sự thật là những điều không muốn vẫn tiếp tục xẩy ra, quý vị tu tập cố duy trì quân bình trong tâm, và tạo ra lòng thương yêu và từ tâm để đối lại. Đây là bài học quý vị đang cố học được ở đây. Quý vị là học sinh như những người đang ngồi trong khóa thiền.

Tiếp tục học hỏi trong khi phục vụ người khác một cách khiêm nhượng. Luôn nghĩ rằng, “Tôi ở đây để tu tập, để tập phục vụ mà không đòi hỏi được đền đáp. Tôi đang làm việc để người khác có thể được hưởng những phúc lợi từ Dhamma. Hãy cho tôi giúp bằng cách làm gương tốt, và trong khi làm như vậy cũng giúp ích cho tôi luôn.”

Nguyện cho tất cả quý vị, những người phục vụ Dhamma, trở nên vững mạnh trong Dhamma. Nguyện cho quý vị phát triển thiện chí, thương yêu và từ tâm đối với người khác. Nguyện cho quý vị tinh tấn trong Dhamma, và hưởng được an lạc thực sự, hài hòa thực sự, hạnh phúc thực sự.

Thiền sư S.N. Goenka

Nguyện cho việc phục vụ Dhamma mang đến cho quý vị những điều lợi ích nhất. Với những ước nguyện tốt đẹp nhất cho sự thành công của quý vị, chúng tôi xin cung cấp những thông tin sau đây. Xin quý vị vui lòng đọc cẩn thận trước khi đến phục vụ.

Phục vụ vô vị lợi

Phục vụ vô vị lợi là một yếu tố căn bản trên con đường Dhamma, là một bước quan trọng trên con đường giải thoát. Phương pháp thiền Vipassana dần dần tận diệt các bất tịnh trong tâm cho đến khi đạt được sự an lạc và hạnh phúc nội tâm. Lúc đầu, sự thoát khỏi đau khổ có thể chỉ được một phần nhưng điều ấy vẫn khiến chúng ta nảy sinh lòng biết ơn sâu sắc vì đã được chỉ dạy về con đường Dhamma tuyệt vời này. Với lòng thương yêu và từ tâm, ước muốn giúp người khác thoát khỏi khổ nảy sinh một cách tự nhiên trong chúng ta. Việc phục vụ các khóa thiền là cơ hội để ta bày tỏ lòng biết ơn này bằng cách giúp người khác tu tập Dhamma mà không đòi hỏi được đền đáp. Trong khi phục vụ người khác một cách vô vị lợi chúng ta cũng phục vụ chính mình bằng cách phát triển mười pāramī (phẩm hạnh) và tiêu trừ thói quen ngã mạn.

Ai đủ tiêu chuẩn để phục vụ Dhamma

Những người đủ tiêu chuẩn phục vụ Dhamma là những thiền sinh đã hoàn tất một khóa thiền Vipassana 10 ngày với Thiền sư Goenka hoặc một trong những thiền sư phụ tá của ông; không tập bất cứ phương pháp thiền nào khác kể từ sau khóa thiền Vipassana tham gia gần nhất. Người phục vụ cũng được khuyến khích thực hành đều đặn ở nhà mỗi ngày.

Nội quy khóa thiền

Trừ khi được nêu ra ở đây, người phục vụ Dhamma nên tuân theo bản Bản Nội Quy của Khóa Thiền càng nhiều càng tốt. Những điều lệ này áp dụng cả cho người phục vụ. Tuy nhiên trong vài trường hợp, sự du di là cần thiết và được cho phép.

Năm giới

Năm giới là nền tảng trong Bản Điều Lệ về Kỷ luật: không giết hại, không trộm cắp. không tà dâm (nghĩa là, tránh hành vi tình dục dưới bất cứ hình thức nào tại trung tâm thiền), tránh lời nói sai trái, tránh mọi chất gây say nghiện.

Năm giới này là điều bắt buộc cho tất cả mọi người tại trung tâm và luôn luôn phải tuân theo một cách triệt để. Những người phục vụ phải gắng hết để sức duy trì Năm Giới trong cuộc sống hằng ngày.

Chấp nhận sự hướng dẫn

Những người phục vụ Dhamma nên nghe theo sự hướng dẫn của Thiền sư, Thiền sư Phụ tá, ban quản lý và điều hành, cởi mở với các lời khuyên và chỉ dẫn của những người đã hành thiền và phục vụ lâu năm. Việc tự ý thay đổi các nguyên tắc đã được thiết lập từ trước, hoặc tự ý khởi xướng các công việc mà không có sự cho phép hay trái ngược với chỉ dẫn của người có trách nhiệm sẽ gây ra xáo trộn, trùng lặp công việc, dẫn đến sự lãng phí thời gian và vật chất. Nếu một người phục vụ luôn muốn làm theo ý mình, không theo bất kì sự hướng dẫn nào, thì sẽ không phù hợp với tinh thần cộng tác và thân thiện trong môi trường Dhamma. Bằng cách tuân theo lời chỉ dẫn, người phục vụ dẹp bỏ được ý thích, thành kiến cá nhân và làm những điều cần thiết tốt cho sự tốt lành của thiền sinh, giúp cho việc điều hành trung tâm cũng như các khoá thiền được hoà hợp và hiệu quả. Mọi vấn đề đều phải được giải quyết theo hướng cởi mở và khiêm tốn. Những đề nghị tích cực luôn luôn được chấp nhận.

Liên hệ với Thiền sinh

Trong mọi trường hợp người phục vụ Dhamma phải dành ưu tiên cho quyền lợi của thiền sinh đang tham dự khóa thiền. Khóa thiền và trung tâm chỉ dành cho thiền sinh; họ là những người quan trọng nhất, đang làm công việc cốt yếu nhất. Công việc của người phục vụ Dhamma chỉ để hổ trợ cho thiền sinh càng nhiều càng tốt. Do đó, thiền sinh phải được ưu tiên trong việc ăn uống cũng như chỗ ngủ. Chỉ trừ khi nào có việc khẩn cấp, người phục vụ không nên ăn trước khi thiền sinh ăn, và không nên ngồi ăn chung với thiền sinh trong phòng ăn. Người phục vụ nên tắm, giặt vào những giờ khác với giờ dành cho thiền sinh, và chỉ được đi ngủ sau khi thiền sinh đã đi ngủ để phòng ngừa khi có trở ngại. Đối với những tiện nghi khác, thiền sinh cũng phải được dành ưu tiên, và người phục vụ nên tránh làm phiền thiền sinh càng nhiều càng tốt.

Đối xử với thiền sinh

Chỉ có người quản lý khóa thiền mới tiếp xúc trực tiếp với thiền sinh - nữ quản lý với nữ thiền sinh, nam quản lý với nam thiền sinh. Họ phải biết thiền sinh có tuân theo điều lệ và thời khóa biểu hay không, và có thể phải nói với những người không tuân hành. Trách nhiệm này phải luôn luôn được thi hành một cách thân thiện và với từ tâm, với ý muốn khích lệ thiền sinh vượt qua những khó khăn. Phải biết mình nói gì, với tính cách xây dựng – không bao giờ được nặng lời. Nếu người quản lý không thể làm như vậy, một người phục vụ khác phải xử lý thay. Những người quản lý phải luôn luôn tìm hiểu thay vì đoán mò nguyên nhân của những vi phạm.

Mọi người phục vụ Dhamma phải tôn trọng, lịch sự, và sẵn sàng giúp đỡ khi cần. Hỏi tên của thiền sinh lúc nào cũng có lợi. Người phục vụ hướng dẫn thiền sinh tới gặp những người có thẩm quyền một cách rất ngắn gọn, không rườm rà – Thiền sư Phụ tá hoặc người quản lý – tùy theo trường hợp. Người phục vụ không nên giải đáp những thắc mắc liên quan đến sự hành thiền của thiền sinh, nhưng đề nghị họ nên hỏi Thiền sư Phụ tá về những thắc mắc này. Thiền sư Phụ tá phải được thông báo mọi tiếp xúc giữa ban quản trị và thiền sinh. Đời tư của thiền sinh không bao giờ được bàn tán một cách không cần thiết giữa những người đang phục vụ trong bếp hoặc nơi khác.

Hành Thiền cho Người Phục vụ

Người phục vụ Dhamma phải phục vụ một cách nhiệt tình, không phí thì giờ, hết sức chú ý vào công việc; đây là sự thưc tập. Cùng một lúc họ phải duy trì việc hành thiền. Mọi người phục vụ phải thiền ít nhất ba giờ mỗi ngày; nếu có thể được, trong buổi thiền chung vào lúc 8:00 giờ sáng, 2:30 giờ và 6:00 giờ chiều. Thêm vào đó, mỗi buổi tối khi có mặt của Thiền sư Phụ tá, một buổi thiền ngắn dành cho người phục vụ tại thiền đường vào lúc 9:00 giờ tối. Những buổi thiền này cần thiết cho lợi ích của người phục vụ Dhamma. Người phục vụ trong khóa thiền thực tập Vipassana, dùng Anapana khi cần thiết. Người phục vụ Dhamma có thể thay đổi tư thế ngồi trong buổi thiền chung nếu muốn.

Người phục vụ Dhamma lúc nào cũng có bổn phận quan sát chính mình. Họ phải giữ bình tâm trong mọi hoàn cảnh và để ý đến chủ ý trong tâm. Nếu không thể làm được như vậy vì mệt mỏi hay vì lý do khác, họ nên đi thiền và nghỉ ngơi thêm, cho dù công việc có bận đến đâu đi nữa. Người phục vụ không bao giờ nên nghĩ rằng mình không thể vắng mặt. Ta chỉ có thể phục vụ Dhamma hữu hiệu khi nào có an lạc và hài hòa nội tâm. Nếu nền tảng không được tốt, công việc hoàn thành sẽ không hữu ích. Người phục vụ ở tại trung tâm lâu ngày thỉnh thoảng phải dự một khóa thiền 10 ngày, hoàn toàn gạt bỏ công việc qua một bên, và không được đòi hỏi một ưu tiên hoặc đặc quyền nào chỉ vì đã phục vụ Dhamma.

Gặp Thiền Sư Phụ Tá

Người phục vụ nên thảo luận bất cứ trở ngại hay khó khăn nào với Thiền Sư hay Thiền Sư Phụ Tá. Giờ thuận tiện để đưa ra những câu hỏi về sự phục vụ hoặc những vấn đề tổng quát là sau buổi thiền 9:00 giờ tối dành cho người phục vụ. Cũng có thể dàn xếp để gặp riêng thiền sư. Khi Thiền sư Phụ tá vắng mặt, người phục vụ nên trình bày những thắc mắc hoặc khó khăn với ban quản trị.

Cách biệt giữa nam và nữ

Sự cách biệt luôn luôn có hiệu lực, cả trong lẫn giữa những khóa thiền. Trong khi sự cách biệt tuyệt đối giữa nam và nữ không được thực tiễn đối với người phục vụ vì sự chật hẹp nơi làm việc, tình trạng này không được hiểu lầm là một cơ hội để nam và nữ giao tiếp vượt quá sự cần thiết trong sự phục vụ Dhamma. Điều lệ này càng quan trọng hơn đối với những cặp vợ chồng.

Đụng chạm thân thể

Để duy trì sự thuần khiết của môi trường thiền và tính chất hướng nội của sự tu tập, và để làm gương tốt cho thiền sinh, những người phục vụ Dhamma phải tránh mọi sự đụng chạm thân thể với thiền sinh và người phục vụ thuộc cả hai phái. Phải luôn luôn tuân theo điều lệ này, cả trong lẫn giữa khóa thiền.

Lời Nói Thánh Thiện

Sự Im Lặng Cao Quý của thiền sinh phải được người phục vụ Dhamma tôn trọng. Họ phải cố giữ im lặng trong khu vực của thiền sinh và chỉ nói khi cần thiết. Mặc dù không có thiền sinh ở gần hoặc không có khóa thiền, điều quan trọng là không phá vỡ sự im lặng khi không cần thiết.

Khi nói, người phục vụ phải thực hành Lời Nói Chân Chính, tránh không: nói dối hoặc điều gì không đúng sự thật. nặng lời hoặc khiếm nhã. Những ai thực hành Dhamma lúc nào cũng nên nói một cách lịch sự, hòa nhã. chỉ trích hoặc nói xấu. Không nên chỉ trích người khác vì cảm tưởng tiêu cực của mình. Mọi khó khăn nên cho người liên hệ hoặc Thiền sư Phụ tá hoặc ban quản trị trung tâm biết. tán gẫu, ca hát, huýt sáo, ngâm nga.

Không còn gì nghi ngờ, Lời Nói Cao Quý khó hơn im lặng nhiều. Do đó nó rất quan trọng cho những ai đi trên con đường Dhamma.

Diện mạo Cá nhân

Dưới con mắt của người khác, người phục vụ Dhamma là đại diện cho Giáo huấn và trung tâm. Vì lý do này, bề ngoài của người phục vụ lúc nào cũng nên gọn gàng, sạch sẽ, không mặc quần áo chật bó, mỏng manh, sặc sỡ, hở hang, hoặc gây sự chú ý không cần thiết (như là quần soọc, váy ngắn, quần bó, áo mỏng không có tay). Đeo rất ít nữ trang hoặc không đeo gì hết. Lúc nào cũng giữ tư cách khiêm nhượng.

Hút sách

Người chấp nhận Dhamma đương nhiên không còn xài những chất gây say như rượu, ma túy, cần sa và những chất tương tự. Thuốc lá bất cứ loại nào đều bị cấm, trong nhà hay ngoài trời, bên trong cũng như bên ngoài trung tâm. Người phục vụ Dhamma không được rời trung tâm để hút thuốc.

Thực phẩm

Trung tâm cung cấp những thức ăn chay giản dị, đầy bổ dưỡng, không theo một triết lý về ăn uống nào. Người phục vụ Dhamma cũng như mọi thiền sinh được yêu cầu chấp nhận những gì dọn ra trong tinh thần xả bỏ.

Bởi vì những bữa ăn trong khóa thiền được sửa soạn và dọn ra hoàn toàn là đồ chay, những thực phẩm có rượu, trứng (những thứ có trứng như bánh, mayonnaise, v.v…), hoặc fô ma từ động vật không được mang vào trung tâm. Nói chung, không nên mang vào trung tâm bất cứ thực phẩm nào từ bên ngoài.

Người phục vụ chỉ giữ Năm Giới do đó có thể ăn chiều nếu muốn. Không được phép nhịn đói.

Đọc sách báo

Người phục vụ nào muốn theo dõi thời sự có thể đọc báo hoặc tập san, nhưng chỉ ở trong chỗ nghỉ dành cho người phục vụ và ngoài tầm mắt thiền sinh. Ngoài báo chí ra, người nào muốn đọc thêm nên chọn những sách trong thư viện Dhamma của trung tâm. Tiểu thuyết và những sách khác để giải trí đều bị cấm.

Liên lạc với Bên ngoài

Người phục vụ không bị đòi hỏi phải cắt đứt hoàn toàn liên lạc với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, trong khi phục vụ khóa thiền họ chỉ được rời trung tâm khi có việc khẩn cấp và được Thiền sư Phụ Tá cho phép. Dùng điện thoại nên giữ ở mức tối thiểu. Khách chỉ được viếng thăm trung tâm khi có sự chấp thuận trước của ban quản trị.

Giữ Trung tâm Sạch sẽ

Bổn phận của người phục vụ Dhamma là để giúp giữ trung tâm được ngăn nắp và sạch sẽ. Ngoài nhà bếp và phòng ăn ra, chỗ ngủ, thiền đường, nhà tắm, văn phòng và những nơi khác cũng cần được săn sóc. Nếu cần thiết, người phục vụ cũng nên sẵn sàng làm những công việc không liên quan đến thực phẩm và dọn dẹp.

Sử dụng tài sản của trung tâm

Mọi thiền sinh Vipassana nên tránh lấy những gì không được phép. Do đó, người phục vụ Dhamma rất cẩn trọng trong việc sử dụng tài sản của trung tâm như lấy bất cứ thứ gì về chỗ ở của mình để xài cho cá nhân mà không được phép của ban quản trị.

Ở tại trung tâm lâu ngày

Với sự đồng ý của Thiền sư Phụ tá, những thiền sinh đứng đắn có thể ở lại trung tâm lâu ngày để trở nên vững mạnh hơn về lý thuyết và thực hành Dhamma. Trong thời gian này, họ có thể hành thiền vài khóa và phục vụ vài khóa, được quyết định do sự tham khảo với Thiền sư và ban quản trị.

Dāna (hiến tặng)

Bản Điều Lệ và Kỷ luật cho Thiền sinh xác nhận không có bất kỳ khoản phí nào tại trung tâm hoặc khóa thiền, dù là chi phí cho việc giảng dạy, ăn ở hay các phương tiện khác phục vụ thiền sinh. Điều tương tự cũng áp dụng cho những người phục vụ Dhamma.

Việc giảng dạy Dhamma thuần khiết luôn được trao tặng miễn phí. Thực phẩm, chỗ ở và các phương tiện khác là quà tặng có được nhờ đóng góp của các thiền sinh cũ. Người phục vụ Dhamma cần nhận biết điều này và khi phục vụ hãy sử dụng những món quà này hiệu quả nhất, để dāna của những người đóng góp phát huy lợi lạc cao nhất. Tới lượt mình, người phục vụ cũng phát triển dāna parami (phẩm hạnh hiến tặng) cho chính mình bằng cách đóng góp cho phúc lợi của người khác tùy theo khả năng của mình. Khóa thiền và trung tâm chỉ có thể duy trì nhờ vào sự đóng góp của những thiền sinh cũ giàu lòng hàm ơn.

Không ai được trả thù lao cho một người nào, bằng tiền hay bằng cách nào khác. Mọi đóng góp đều là vì lợi ích của người khác. Phục vụ Dhamma không được phép là một hình thức để hoàn lại chi phí ăn ở của chính mình. Nhưng ngược lại, sự phục vụ lại mang lợi lạc cho chính người phục vụ vì nó giúp họ tiến xa hơn trong sự tu tập Dhamma. Một khóa thiền hay trung tâm cung cấp cơ hội để hành thiền và cũng để thực tập cách áp dụng Dhamma nhờ biết cách phục vụ và đối xử với người khác bằng từ tâm và khiêm tốn.

Kết luận

Những người phục vụ Dhamma nên luôn luôn tuân theo sự hướng dẫn của Thiền sư Phụ tá và ban quản trị. Họ phải làm hết mình để trợ giúp thiền sinh mà không làm phiền họ dưới bất cứ hình thức nào. Việc làm của những người phục vụ là để khích lệ sự tin tưởng vào Dhamma cho những người còn nghi ngờ và và để gia tăng sự tin tưởng ở những người có sẵn niềm tin. Họ nên ghi nhớ rằng mục đích sự phục vụ của mình là để giúp người khác, và cùng lúc ấy giúp mình tăng trưởng trong Dhamma.

Nếu những điều lệ này gây khó khăn cho bạn, xin vui lòng gặp Thiền sư Phụ tá hay ban quản trị ngay lập tức để được làm sáng tỏ.

Nguyện cho sự phục vụ giúp quý vị thăng tiến trên con đường Dhamma, con đường giải thoát, con đường hết khổ, con đường hạnh phúc thực sự.

NGUYỆN CHO TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐƯỢC HẠNH PHÚC